Trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam đã sớm hình thành ý thức cố kết cộng đồng, tự lực, tự cường, đồng tâm hiệp lực để chế ngự thiên nhiên khắc nghiệt và chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Khát vọng độc lập – hoà bình – tự do - hạnh phúc, là khát vọng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.
Để hiện thực khát vọng đó, các thế hệ cha ông ta đã đứng lên, anh dũng, quật cường đánh đuổi kẻ thù ngoại xâm, giữ vững và mở mang biên cương, tạc vào lịch sử những kỳ tích, chiến công hiển hách. Một trong những dấu son đó là ngày 22/12/1944 - ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, mở ra những chiến công chói lọi của quân đội ta trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số I - Quyết định thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22/12/1944), tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Quân đội ta được Đảng ta thành lập ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, ban đầu gồm 34 chiến sỹ, biên chế thành 3 tiểu đội, với tên gọi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chỉ thị thành lập đội quân này đã nhận định: “Tuy lúc đầu quy mô nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang”. Vì theo Người, đội quân cách mạng này sẽ phát triển “từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”.
Vừa mới ra đời, ngày 25/12/1944 Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã tập kích diệt đồn Phai Khắt ở tỉnh Cao Bằng rồi đánh đồn Nà Ngần, cách đó 15 km về phía Đông Bắc để mở đầu truyền thống đánh là chắc thắng, thắng ngay từ trận đầu của quân đội ta. Sau đó, Đảng ta hợp nhất Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân.
Cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát. (Ảnh tư liệu)
Từ những chiến công đầu Phai Khắt, Nà Ngần đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, từ khí thế cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh của quân và dân Hà Nội mở đầu Ngày Toàn quốc kháng chiến, tháng 12/1946, đến trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954, Quân đội nhân dân cùng các lực lượng vũ trang cách mạng trong cả nước đã trưởng thành vượt bậc, trở thành một quân đội cách mạng chính quy, lập nên kỳ tích “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu”.Thắng lợi của quân đội và nhân dân ta không những làm phá sản mưu đồ quay trở lại thống trị Việt Nam của chủ nghĩa thực dân mà còn cổ vũ các dân tộc bị áp bức đứng lên, mở đầu cho sự sụp đổ hệ thống thuộc địa trên toàn thế giới.
Từ những chiến công mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta tiếp tục đánh bại cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm bằng "pháo đài bay" B52 của kẻ thù hòng “đưa Hà Nội và miền Bắc về thời kỳ đồ đá”, làm nên Chiến thắng lẫy lừng Hà Nội – Điện Biên phủ trên không năm 1972. Và đại thắng mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là chiến công vang dội của Quân đội nhân dân Việt Nam trên chặng đường giữ vững độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Chiến công đó đã mở đầu cho thời kỳ mới, thời kỳ cả nước ta ra sức xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Rồng lửa SAM của quân đội ta trong trận chiến Điện Biên Phủ trên không. (Ảnh tư liệu)
Không chỉ chiến đấu giải phóng dân tộc, thực hiện khát vọng hoà bình – tự do và hạnh phúc cho dân tộc mình, với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "giúp bạn là tự giúp mình", Quân đội ta còn sát cánh cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Lào, Campuchia chống kẻ thù chung. Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược vừa kết thúc thắng lợi, Quân đội ta lại bước vào cuộc chiến đấu ác liệt để bảo vệ biên giới Tây Nam rồi biên cương phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, để lại hình ảnh tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" trong lòng nhân dân nước bạn.
Những mốc son chói lọi đó đã tạc vào lịch sử vẻ vang của dân tộc, đánh dấu bước trưởng thành nhanh chóng và phát triển vượt bậc của quân đội ta.
Ngày nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đang bảo vệ Tổ quốc và góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước với nhiều cơ hội lớn và thách thức mới. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta phải ra sức xây dựng Quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc”, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương đặt mục tiêu: Đến năm 2025, Quân đội sẽ được xây dựng cơ bản tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng (Ảnh tư liệu)
80 năm kể từ ngày 22/12/1944, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Quân đội ta đã và đang thực hiện xuất sắc những lời căn dặn của Bác “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Cách mạng là sự nghiệp của toàn dân. Vì vậy, quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, bao gồm tổng thể các hoạt động về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa, khoa học, của Nhà nước và Nhân dân để tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, đồng bộ, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt, nhằm giữ vững hòa bình, ổn định đất nước, ngăn chặn các hoạt động phá hoại, gây chiến, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đồng thời sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và quy mô. Nền quốc phòng toàn dân là sự cụ thể hoá chính sách quốc phòng của Việt Nam, thể hiện ở cơ cấu tổ chức, hoạt động của các ngành, các cấp và của toàn dân theo một ý định, chiến lược thống nhất, nhằm tạo ra sức mạnh hiện thực để bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là xây dựng cả lực lượng và thế trận; xây dựng tiềm lực mọi mặt, đặc biệt là tiềm lực chính trị - tinh thần; phát huy sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TƯ quyết định lấy Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân - Ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, Ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" - một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Ngày hội Quốc phòng toàn dân cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Thực hiện bài viết
Đảng viên sinh viên: Huỳnh Trần Trường Sơn
CB Khoa KH Xã hội & Nhân văn