Theo quy định tại Điều 8 Luật phổ biến giáo dục pháp luật số 14/2012/QH13 ngày 20/6/2012, ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật Việt Nam ra đời nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tuyên truyền rộng rãi cho toàn bộ người dân Việt Nam ở bất cứ vị trí nào đều có ý thức thượng tôn pháp luật. Quốc hội chọn ngày 9/11 làm ngày Pháp luật Việt Nam là vì cách đây 77 năm, vào ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành.
Ngày Pháp luật Việt Nam không chỉ liên quan đến sự kiện ban hành Hiến pháp năm 1946, mà các Hiến pháp sau này của nước ta như: Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 cũng được nhớ đến khi nhắc đến ngày Pháp luật Việt Nam.
Hiến pháp là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, là văn bản pháp lý cơ bản nhất, ở đó quy định về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, quan hệ đối ngoại, quyền và nghĩa vụ của công dân, nhà nước và các tổ chức xã hội của nước Việt Nam.
Tại mục 4 Công văn 1855/BTP-PBGDPL ngày 11/5/2023 về việc hướng dẫn hưởng ứng ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2023 có nêu:
“4. Về khẩu hiệu
Các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp với nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình. Có thể tham khảo và sử dụng một số khẩu hiệu sau:
- Sống và làm việc theo pháp luật là việc làm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.
- Đẩy mạnh truyền thông chính sách góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi pháp luật.
- Tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
- Chủ động tìm hiểu, gương mẫu tuân theo Hiến pháp và pháp luật là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
- Hiểu biết và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
- Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
- Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật góp phần tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh.
- Tích cực cải cách hành chính, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật góp phần giải phóng nguồn lực, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.
- Thực hiện tốt công tác truyền thông, phản ứng chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh”
Trong đời sống xã hội nói chung, đời sống xã hội Việt Nam nói riêng, pháp luật đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, pháp luật vừa là công cụ hữu hiệu để quản lý nhà nước, vừa là một hành lang pháp lý an toàn, đáng tin cậy,… từ đó tạo ra nhiều thuận lợi giúp cho kinh tế - xã hội ngày càng phát triển và nhân dân ngày càng có đủ điều kiện để hoàn thiện bản thân hơn. Vì vậy, ngày 9/11, Ngày Pháp luật Việt Nam cần được hưởng ứng và tuyên truyền rộng rãi hơn nữa để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống của toàn bộ người dân Việt Nam, nhằm thực hiện khẩu hiệu:
“Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”.
Người thực hiện: Ngô Phi Yến – Sinh viên lớp 62.LKT