Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, muôn vàn những bài viết, những thông tin phản ánh từng hơi thở của cuộc sống toàn nhân loại. Nhưng hôm nay, giữa muôn vàn thông tin đó, trong tôi đã rất xúc động khi đọc được những dòng chữ trong lá thư viết cách đây hơn 50 năm. Đó là những dòng thư của 3 Liệt sĩ: Lê Hoàng Vũ, quê Thái Bình; Nguyễn Chí, quê Quảng Ngãi; Trần Viết Dũng, quê thành phố Sài Gòn, chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn BG (Bình Giã), Quân giải phóng miền Nam. Bức thư đã viết gửi cho chúng ta - những người đang sống.
Lúc đầu, tôi cũng chỉ nghĩ bức thư này, cũng giống như những bức thư bình thường khác của thế hệ cha, mẹ chúng ta viết cho nhau hay cho gia đình ở thế kỷ 20. Nhưng khi tôi đọc nội dung bức thư và các bài viết về xuất sứ của bức thu này, thì trước mắt tôi không còn là bức thư bình thường nữa, mà là những dòng tâm huyết, xương máu cuối cùng của các Anh viết cho những người đang sống và cho tương lai. Xin được trích dẫn một phần nội dung Bức thư đó:
Bức thư của 3 Liệt sĩ: Lê Hoàng Vũ, Nguyễn Chí và Trần Viết Dũng (ảnh Tư liệu)
“….. Thời gian không chờ chúng tôi nữa. Chúng tôi đã cảm thấy sắp đến giờ phải từ giã cõi đời này rồi. Trước khi ra đi, thư phải được bảo quản cẩn thận để tránh thời gian mưa nắng phũ phàng. Thư phải về tới tay những người đang sống…
Nếu lá thư này được về với đồng đội chúng tôi trong Trung đoàn BG quân giải phóng miền Nam hay một đơn vị bạn nào đó qua đây, xin chuyển lên giùm cấp trên.
Tiểu đội Giải phóng quân chúng tôi trong Trung đội “Ký Con” đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn.
Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 năm – 10 năm – tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi – gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng.
Hay trong trường hợp đến 50-100 năm sau, thư này mới tới những người, có thể gọi là thế hệ mai sau, thì cho phép chúng tôi gửi lời chào xã hội chủ nghĩa, cho phép chúng tôi bày tỏ vui mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta mà chúng tôi trở thành những hạt bụi có ích – Và hơn thế nữa nếu được, cho chúng tôi gửi lời chào niềm nở nhất đến những con người ở những vì sao xa xôi, những người bạn mới giữa các hành tinh.
Mùa Xuân giữa rừng miền Đông Nam Bộ.
Vũ-Chí-Dũng”.
Bức thư này vẫn còn nguyên sau 18 năm từ lúc các chiến sĩ ấy hy sinh năm 1966 đến lúc tìm thấy hài cốt của họ trong những chiếc võng dù, căng giữa một khu rừng nguyên sinh ở thượng nguồn sông Đồng Nai năm 1984. Chỉ một vài dòng trích thư thôi cũng đã làm lay động tâm can của hàng triệu người Việt Nam. Khi đọc Bức thư, dâng lên một nỗi cảm phục vô cùng. Dù cho thời gian sống chỉ còn đếm ngược từng phút, các anh vẫn cố gắng hết sức viết những dòng run rẩy, nguệch ngoạc vì bị thương, đói, khát nhưng ý tứ và câu từ của các anh thì vô cùng sáng rõ khi các anh đã định ra nhiều khoảng thời gian gần – vừa – xa để nhắn nhủ cho tương lai. Một tương lai mà các anh tại thời điểm đó, dù rất mong nhận được lời hồi đáp thật sớm cũng chẳng biết đến bao giờ những người còn sống mới tìm thấy và đọc được. Để rồi các anh ngã xuống không cầu mong một tượng đài to đẹp để tưởng nhớ, mà các anh chỉ mong rằng những thế hệ sau đừng lãng quên mình. Bởi không ai muốn lãng quên trong gia đình, cộng đồng, đặc biệt là đối với những người đã ngã xuống, gánh vác sứ mệnh vẻ vang. Và hơn hết, trước cái chết, các anh vẫn rất bình thản vì đã đặt niềm tin vào tương lai của đất nước, cho những người đang sống và cho thế hệ trẻ tương lai. Những lớp người của thế hệ tương lai sẽ thay họ bước tiếp con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để cái chết của các anh không trở thành vô nghĩa, để xã hội Việt Nam mai sau trở nên tươi đẹp. Chính vì vậy, bức thư này, có thể nói là tâm trạng chung của những người dấn thân vào sự nghiệp chung toàn dân tộc.
Thế hệ trẻ chúng ta hôm nay, khi đọc Bức thư này trên màn hình máy tính, tôi và các bạn, sẽ thấy mình đang đọc những trái tim, đọc những tâm hồn của những con người mà hơn 50 năm trở về trước, các anh, các chị cũng đang ở những lứa tuổi thanh niên như chúng ta bây giờ. Nhưng chiến tranh đã cướp đi không chỉ những hoài bão của tuổi trẻ, mà cả cuộc đời của họ và sự hy sinh ấy đã viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc, thắp sáng mãi ngọn đuốc khát vọng hoà bình, tự do, ấm no và hạnh phúc.
Lịch sử đất nước đã đi qua những trang hào hùng nhưng phải trả bằng xương máu, đất nước ấy đang được viết tiếp bởi triệu triệu người trẻ hôm nay bằng hành trang là niềm tự hào dân tộc và ý thức sống xứng đáng với thế hệ cha anh. Chính vì thế, lịch sử là sự nối dài ký ức của một dân tộc, là sự nhắc lại cái cũ để hướng tới cái mới, nhất là lòng biết ơn, tri ân.
Và đất nước hôm nay cũng đang từng ngày hàn gắn những vết thương ở lại. Ngày 27 tháng 7 năm 2023, nhớ về những người hy sinh vì cuộc sống của chúng ta hôm nay. Đối với thế hệ trẻ ngày nay, cần phải cống hiến sức trẻ và trí tuệ để xây dựng đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta phát triển sánh vai với các nước trên thế giới như lời các anh gửi gắm trong bức thư tuyệt vời này.
Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, không chỉ ghi ơn sâu sắc về sự hy sinh xương máu của các Liệt sĩ, của các Thương binh, Bệnh binh cũng như sự hy sinh thầm lặng của những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Mà nếu như có một lúc nào đó trong cuộc sống, chúng ta có những sa ngã, lôi kéo dẫn đến những hành động sai trái; những suy nghĩ nhỏ nhen, ích kỷ, lệch lạc về xã hội, về đất nước. Thì chúng ta hãy đọc những Bức thư này, để từ đó tự vấn bản thân mình: Tuổi trẻ của chúng tôi hôm nay đã làm được những gì để đền đáp lại lòng tin ấy?. Từ đó phải có trách nhiệm hơn đối với những người đã chiến đầu hy sinh cho độc lập dân tộc. Bởi vì họ đã làm cho chúng tôi hiểu rằng: "Không có sự hy sinh nào là vô nghĩa nếu như chúng ta làm điều đó để cho mình và cho tất cả mọi người". Họ là bất tử trong lòng chúng tôi.
Là một sinh viên ngành Luật, cá nhân tôi thật sự xúc động khi đọc được bức thư này, cuộc đời các anh tuy ngắn ngủi nhưng anh dũng và đáng quý biết bao. Các anh đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, cho những người như chúng ta đang sống và làm việc. Sự hy sinh của các anh – những người đã ngã xuống để đất nước được độc lập, dân tộc được tự do thật đáng trân trọng và là tấm gương sáng để cá nhân tôi nói riêng và các bạn trẻ khác nói chung học tập không ngừng rèn luyện, trau dồi các kiến thức, kỹ năng mềm để lao động hăng say, cống hiến hết mình cho cách mạng trong thời bình, cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà tiêu biểu là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” để bày tỏ lòng biết ơn của bản thân đến những người có ơn với mình, những người chiến sĩ đã hy sinh anh dũng. Bên cạnh đó, còn cần phải không ngừng cảnh giác, phê phán những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và không ngừng tuyên truyền góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Từ đó xây dựng “tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” của Việt Nam.
50 năm 100 năm hoặc xa hơn nữa dù thời gian có làm mái tóc bạc đầu, bước chân không vững, thì hình ảnh những anh hùng liệt sĩ, tinh thần Ngày 27/7, sẽ vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ sống mãi trong các thế hệ hôm nay và mai sau.
Thế hệ trẻ hôm nay, xin được khắc ghi công ơn của 1,2 triệu liệt sĩ đã nằm lại vì sự bình yên của Tổ quốc, Xin được cảm tạ sự hy sinh của gần 130.000 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xin được tri ân tới 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, cùng gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh… Đó là những con số cho chúng ta thấy sự khốc liệt của chiến tranh. Tất cả, tất cả đã làm nên đất nước Việt Nam ta hôm nay và mãi mai sau.
Sưu tầm, thực hiện bài viết
Lê Thị Huyền Anh
Đảng viên, sinh viên Lớp 62 Luật