Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Đảng và dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ kiên cường và lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và nhân dân thế giới. Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta một bản di chúc lịch sử, trong đó kết tinh những tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người, vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của dân tộc.
Trong toàn bộ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cái làm nên giá trị tinh thần lớn lao, trường tồn mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, đó chính là tư tưởng đề cập đến vấn đề con người, về giải phóng, xây dựng và phát triển con người, coi con người là nhân tố trung tâm quyết định thành công của cách mạng. Để xây dựng thành công xã hội mới, phải đặc biệt chú trọng tới sự nghiệp “trồng người”.
1. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp “trồng người”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi “con người” là vốn quý nhất, là yếu tố quyết định của sự nghiệp cách mạng. Thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, sự hưng thịnh, tồn vong của một quốc gia, một dân tộc suy cho cùng hoàn toàn phụ thuộc vào con người, vào sự nghiệp “trồng người”. Bác chỉ rõ: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa” [3; tr.37]; “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” [2; tr.222].
Trong Di chúc, chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng và Chính phủ phải chăm lo công tác giáo dục, đào tạo, rèn luyện cho lớp người trẻ tuổi để kế tục sự nghiệp cách mạng: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” [1; tr.37]. Bởi lẽ, không chăm lo cho thế hệ trẻ, sẽ không có những con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, và, sâu xa hơn, không thể giữ gìn được thành quả cách mạng mà biết bao thế hệ cha anh đã đổ xương máu để tạo dựng nên.
Trong bồi dưỡng, đào tạo những con người kế tục sự nghiệp cách mạng, Người yêu cầu phải chú trọng đầy đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất. Người viết “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” [1; tr.36]. Theo đó, người kỳ vọng thế hệ trẻ phải được giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện, ngày một nâng cao trí tuệ, giỏi chuyên môn, có lập trường tư tưởng cách mạng vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng.
Trong mấy điều viết thêm cho Di chúc vào tháng 5/1968, một lần nữa Người nhấn mạnh: Đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đó là “Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dung cảm. Đảng và chính quyền cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc” [1;tr 30].
Đào tạo và bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là công việc vô cùng quan trọng mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng và nhân dân ta. Thực hiện lời dạy của Người, Đảng ta đã luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ và coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đảng đã ra nhiều Nghị quyết, chỉ thị về công tác thanh niên, về nhiệm vụ giáo dục, chăm lo thế hệ trẻ, coi thanh niên là lực lượng xung kích trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặt niềm tin lớn lao, vững chắc vào thanh niên trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Báo cáo Chính trị tại Đại hội IX của Đảng đã nêu rõ: “Đối với thế hệ trẻ, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, lối sống, văn hóa, sức khỏe, nghề nghiệp; giải quyết việc làm, phát triển tài năng và sức sáng tạo, phát huy vai trò xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [4; tr.126].
2. Đại học Nha Trang thực hiện Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp “trồng người”
Thấm nhuần tư tưởng và thực hiện theo Di chúc của Bác, Trường Đại học Nha Trang đã không ngừng đổi mới, chăm lo đào tạo nguồn nhân lực phát triển toàn diện, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trường Đại học Nha Trang tiền thân là khoa Thủy sản thành lập năm 1959 tại Học viện Nông lâm Hà Nội. Nhà trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ quản lý kinh tế kỹ thuật có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cung cấp dịch vụ đa lĩnh vực phục vụ cộng đồng.
Thấm nhuần tư tưởng và thực hiện lời căn dặn trong Di chúc của Bác, Nhà trường đã không ngừng chăm lo đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài về các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, công nghệ cho cả nước và quốc tế, đặc biệt là lĩnh vực thủy, hải sản.
Khởi đầu từ một cơ sở đào tạo chuyên về thủy sản, đến nay Trường Đại học Nha Trang đã trở thành cơ sở đào tạo công lập đa ngành, đa trình độ. Nhà trường hiện có 14 khoa, viện đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đội ngũ giảng viên có trình độ cao với hơn 30 PGS, 134 tiến sĩ, 344 thạc sỹ. Cơ sở vật chất của trường có hơn 100 phòng học thuộc 12 tòa nhà được trang bị hiện đại với lưu lượng 6.000 sinh viên một ca học, cùng gần 100 phòng thí nghiệm, phòng hội thảo chuyên đề đạt tiêu chuẩn quốc tế. Gần 1.000 máy tính phục vụ cho các hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu, quản lý, khai thác và quảng bá thông tin của Trường trên internet. Thư viện số hiện đại, ký túc xá với gần 4.000 chỗ ở và nhiều công trình thể thao, vui chơi giải trí, đáp ứng tốt nhu cầu học tập, rèn luyện của sinh viên.
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã đào tạo cho đất nước nguồn nhân lực chất lượng cao với hơn 61.000 kỹ sư và cử nhân, 90 tiến sĩ, hơn 2.800 thạc sĩ, thực hiện hơn 1.100 công trình khoa học từ cấp cơ sở đến nhà nước. Thiết lập quan hệ hợp tác đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ, trao đổi chuyên gia với hơn 300 trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, địa phương trong nước và gần 100 trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trên thế giới. Nhà trường đã vinh dự được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1981), hạng Nhì (năm 1986), hạng Nhất (năm 1989); Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 1994), hạng Nhì (năm 1999), hạng Nhất (năm 2004); Anh hùng lao động (năm 2006).
Thực hiện Di chúc của Người và để thực hiện tốt chiến lược “trồng người”, nhằm bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau đạt hiệu quả, hoàn thành tốt trọng trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, Nhà trường luôn quan tâm đến công tác đảm bảo chất lượng trong đào tạo nguồn nhân lực. Trường là đơn vị hai lần đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Năm 2009, trở thành một trong 20 trường ĐH đầu tiên của cả nước được Hội đồng Quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Tháng 9/2017, Trường tiếp tục được Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia TP.HCM) công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục lần thứ hai (giai đoạn 2012 -2017).
Với triết lý giáo dục của Trường được khẳng định là: Phát triển tính chuyên nghiệp, khả năng sáng tạo và ý thức trách nhiệm trong môi trường giáo dục hội nhập, gắn kết với thực tiễn nghề nghiệp và cộng đồng. Mục tiêu giáo dục của Nhà trường nhằm phát triển ở người học:
1. Bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, đạo đức, thẩm mỹ, sức khỏe;
2. Kiến thức nền tảng và chuyên sâu về nghệ nghiệp;
3. Kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn phù hợp với nghề nghiệp;
4. Khả năng nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ;
5. Tinh thần lập nghiệp, khả năng tự học, sáng tạo và thích ứng với môi trường hoạt động nghề nghiệp.
Trường Đại học Nha Trang đã và đang thực hiện hiệu quả lời căn dặn của chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo, đào tạo thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”, phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ, lao động sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2007), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Hồ Chí Minh (2004), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Ngô Văn An – Khoa KH Xã hội và Nhân văn