Ngày 5/6/1911, người thanh niên Việt Nam – Nguyễn Tất Thành, với tên gọi Văn Ba từ bến cảng Nhà Rồng, trên chiếc tàu mang tên Amiral La Touche De Tréville, khởi đầu cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước.
Bến cảng Nhà Rồng năm 1911
Tàu Latouche Treville, con tàu đưa Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước .
Theo hành trình của tàu, Nguyễn Tất Thành đã dừng chân ở cảng Mácxây, cảng Lơ Havơrơ (Le Havre) của Pháp. Những ngày đầu tiên trên đất Pháp, được chứng kiến ở Pháp cũng có những người nghèo như ở Việt Nam, anh nhận thấy có những người Pháp trên đất Pháp tốt và lịch sự hơn những tên thực dân Pháp ở Đông Dương. Năm 1912, Nguyễn Tất Thành làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Sácgiơ Rêuyni đi vòng quanh châu Phi, đã có dịp dừng lại ở những bến cảng của một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Xênêgan, Rêuyniông… Đến đâu anh cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Anh liên tưởng một cách tự nhiên đến số phận của người dân Việt Nam. Họ cũng là nạn nhân của sự hung ác, vô nhân đạo của bọn thực dân.
Nguyễn Tất Thành theo con tàu tiếp tục đi qua Máctiních (Trung Mỹ), Urugoay và Áchentina (Nam Mỹ) và dừng lại ở nước Mỹ cuối năm 1912. Tại đây, anh có dịp tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ với bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng trong lịch sử. Anh vừa đi làm thuê để kiếm sống vừa tìm hiểu đời sống của những người lao động Mỹ. Anh đã đến thăm quận Brúclin của thành phố New York. Anh đi xe điện ngầm đến khu Háclem để tìm hiểu đời sống và cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của những người da đen.
Với mục đích ra đi để tìm hiểu, do vậy, trong thời gian tàu dỡ hàng và lấy hàng, Nguyễn Tất Thành đã tranh thủ lúc rỗi rãi đi xem xét nhiều nơi, từ những khu phố hoa lệ nổi tiếng thế giới với những ngôi nhà cao chọc trời ở Niu Oóc đến những ngôi nhà ổ chuột ở khu Háclem. Dừng chân ở nước Mỹ không lâu nhưng Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận ra bộ mặt thật của đế quốc Hoa Kỳ. Đằng sau khẩu hiệu "cộng hòa dân chủ" của giai cấp tư sản Mỹ là những thủ đoạn bóc lột nhân dân lao động rất tàn bạo. Anh cảm thông sâu sắc với đời sống của người dân lao động da đen và rất căm giận bọn phân biệt chủng tộc, hành hình người da đen một cách man rợ, mà sau này anh đã viết lại trong bài báo Hành hình kiểu Linsơ.
Đầu năm 1913, Nguyễn Tất Thành theo tàu rời Mỹ trở về Lơ Havơrơ, sau đó sang Anh. Đến nước Anh, để kiếm tiền sinh sống, anh nhận cào tuyết cho một trường học, rồi làm thợ đốt lò. Công việc hết sức nặng nhọc, nhưng sau mỗi ngày anh đều tranh thủ thời gian học tiếng Anh.
Từ nước Anh, Nguyễn Tất Thành gửi thư liên hệ với cụ Phan Châu Trinh, lúc này đang ở Pháp, thông báo tình hình sinh hoạt, học tập của mình, hỏi thăm tình hình người thân của cụ Phan. Trong thư Nguyễn Tất Thành cũng bày tỏ và thăm dò ý kiến của cụ Phan về tình hình thời cuộc.
Cuối năm 1913, sau hai tuần nghỉ việc vì bị cảm, Nguyễn Tất Thành đến làm thuê ở khách sạn Đraytơn Cơớc, đại lộ Đraytơn, khu Oét Ilinh, phía tây Luân Đôn. Một thời gian sau, Nguyễn Tất Thành lại chuyển sang làm phụ bếp ở khách sạn Cáclơtơn, phố Hây Makét, một khách sạn sang nổi tiếng ở Luân Đôn. Tại Anh, Nguyễn Tất Thành đã hăng hái tham dự những cuộc diễn thuyết ngoài trời của nhiều nhà chính trị và triết học, tham gia Hội những người lao động hải ngoại, ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Airơlen. Giữa lúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra ác liệt, tình hình Đông Dương đang có những biến động, vào khoảng cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp để có điều kiện trực tiếp hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp.
Thời gian đầu khi tới Pari, chưa có giấy tờ hợp pháp, Nguyễn Tất Thành được các đồng chí trong Ban đón tiếp những người lao động nhập cư của Đảng Xã hội Pháp giúp đỡ. Trong khi chờ các đồng chí tìm cho giấy tờ quân dịch hợp pháp, anh phải sống ẩn náu, hạn chế đi lại để tránh sự kiểm tra của cảnh sát. Cuộc sống của anh lúc đó gặp rất nhiều khó khăn. Vừa hoạt động chính trị, vừa phải kiếm sống một cách chật vật, khi thì làm thuê cho một hiệu ảnh, khi thì vẽ thuê cho một xưởng đồ cổ mỹ nghệ Trung Hoa, nhưng anh vẫn kiên trì, hăng say học tập và hoạt động. Anh thường xuyên gặp gỡ với những người Việt Nam ở Pháp, có tư tưởng và khuynh hướng tiến bộ như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường. Nguyễn Ái Quốc từng bước tham gia vào cuộc đấu tranh của phong trào công nhân và lao động Pháp.
Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Khi được hỏi vì sao vào Đảng, anh trả lời: Vì đây là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: "Tự do, Bình đẳng, Bác ái". Năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Ngày 18-6-1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp Hội nghị ở Vécxây (Pháp). Hội nghị này còn gọi là Hội nghị hoà bình Pari, nhưng thực chất đó là nơi chia phần giữa các nước đế quốc thắng trận và trút hậu quả chiến tranh lên đầu nhân dân các nước thua trận và các dân tộc bị áp bức. Văn kiện chính của hội nghị là Hiệp ước Vécxâyxác định sự thất bại của nước Đức và các nước Đồng minh của Đức, phân chia lại bản đồ thế giới theo hướng có lợi cho các đế quốc thắng trận, chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp.
Nguyễn Ái Quốc tại ĐH lần XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua
Thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo ra bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vécxây. Dưới bản Yêu sách Nguyễn Tất Thành ký tên: Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện. Nguyễn Ái Quốc tới lâu đài Vécxây gửi bản Yêu sách cho văn phòng Hội nghị, sau đó lần lượt gửi bản Yêu sách đến các đoàn đại biểu các nước Đồng minh dự hội nghị. Hầu hết các đoàn đại biểu đều có thư trả lời Nguyễn Ái Quốc.
Thực dân Pháp bắt đầu chú ý tới người có tên Nguyễn Ái Quốc. Trong một lần đến theo dõi buổi nói chuyện ở Hội trường Hooctiquyntơ tại Pari, viên mật thám Pháp Pôn Ácnu chuyên theo dõi người Việt Nam sống ở Pari, tận mắt chứng kiến Nguyễn Ái Quốc đang phân phát truyền đơn in bảnYêu sách cho những người có mặt, đã phải thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”.
Bản Yêu sách phản ánh nguyện vọng của nhân dân Việt Nam không được hội nghị xem xét. Đối với dư luận Pháp, Yêu sách cũng không có tiếng vang như mong muốn, nhưng lại tác động mạnh mẽ đến người Việt Nam trong nước và nước ngoài. Một người Việt Nam với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã dũng cảm đưa vấn đề chính trị của Việt Nam ra quốc tế, đòi cho Việt Nam có những quyền cơ bản chính đáng, thiết thực. Đây là dấu hiệu mới của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên đường đi tới độc lập dân tộc.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển mạnh mẽ. Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người nói: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta"! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba".
Từ bản Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Niềm tin ấy là cơ sở tư tưởng để Nguyễn Ái Quốc vững bước đi theo con đường cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác-Lênin. Quyết tâm đi theo con đường của Lênin vĩ đại, Nguyễn Ái Quốc xin gia nhập Uỷ ban Quốc tế 3, do một số đồng chí trong Đảng Xã hội Pháp lập ra, nhằm tuyên truyền vận động gia nhập Quốc tế III.
Tại phiên họp buổi chiều ngày 26-12-1920, cùng với những người cách mạng chân chính của nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế 3 Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đó là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử cách mạng nước ta. Nếu như cuộc đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị Vécxây năm 1919 mới là phát pháo hiệu thức tỉnh nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp, thì việc Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 đã đánh dấu một bước chuyển biến quyết định, bước nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người: Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Lênin.
Như vậy, từ năm 1911 đến năm 1920, là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc khảo sát, nghiên cứu để lựa chọn con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ của bọn thực dân, phong kiến. Người đã vượt qua ba đại dương, bốn châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ. Trải qua những tháng năm lao động kiếm sống, thâm nhập đời sống thực tế của những người lao động nhiều nước trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc thấy rõ cảnh bất công, tàn bạo của xã hội tư bản, anh vô cùng xúc động trước đời sống khổ cực của giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước. Đến một số nước thuộc địa châu Phi, Người thấy rõ ở đâu người dân mất nước cũng khổ cực như nhau. Bước đầu anh rút ra kết luận quan trọng là: ở đâu chủ nghĩa tư bản cũng tàn ác và vô nhân đạo, ở đâu nhân dân lao động cũng bị áp bức, bóc lột rất dã man; các dân tộc thuộc địa đều có một kẻ thù chung là bọn đế quốc thực dân. Anh nhận rõ giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước đều là bạn, chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là kẻ thù. Sau này anh đã khái quát thành một chân lý: "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản".
Cũng từ thực tế lao động, học tập, thâm nhập đời sống những người lao động, phân tích tình hình chính trị thế giới, tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, đó là con đường cách mạng vô sản mà sau này Người đã đúc kết: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Sự lựa chọn và hành động của Nguyễn Ái Quốc phù hợp với trào lưu tiến hóa của lịch sử, chuyển từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản, đã kéo theo cả một lớp người Việt Nam yêu nước chân chính đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ đó chủ nghĩa Mác - Lênin bắt đầu thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, cách mạng Việt Nam từ đây có một phương hướng mới.
Trần Thị Tân – Khoa KHXH&NV