Ngược dòng lịch sử của đại thắng mùa xuân 30/4/1975
Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” ký ngày 27/1/1973 buộc đế quốc Mỹ phải đơn phương rút quân khỏi nước ta. Nhưng với bản chất xâm lược, chúng tiếp tục tăng cường viện trợ cho nguỵ quyền nhằm kéo dài chiến tranh theo kiểu “Việt Nam hoá”. Với ý đồ thâm độc, đế quốc Mỹ đã ráo riết thực hiện chủ trương “hiện đại và tinh nhuệ hoá” nguỵ quân, tăng cường chi viện quân sự khối lượng lớn và xúi giục quân nguỵ vi phạm Hiệp định Paris một cách trắng trợn, gây cho chúng ta rất nhiều khó khăn trong thực thi Hiệp định và bảo toàn vùng giải phóng.
Với nhận thức đúng âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, với ý chí và khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, với quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, tháng 7/1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III đã kịp thời ban hành Nghị quyết về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới” (Nghị quyết 21). Nghị quyết khẳng định: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kỳ trong tình huống nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân dân Việt Nam bắt đầu từ ngày 4/3/1975 và kết thúc vào ngày 30/4/1975, trong đó tiến công quân sự đóng vai trò quyết định với ba chiến dịch chiến lược liên tục về thời gian và liên kết về không gian đi đến đánh sập quân đội Sài Gòn:
Chiến dịch Tây Nguyên (04/3/1975 đến 03/4/1975);
Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (21/3/1975 đến 29/3/1975);
Chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4/1975 đến 30/4/1975)
Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng
Ảnh tư liệu lịch sử
Với khí thế chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang, đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông. Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến thắng 30/4/1975 là thắng lợi to lớn nhất, trọn vẹn nhất và là trang sử hào hùng, chói lọi trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Trải qua chiều dài lịch sử đất nước, Đảng, Nhà nước, toàn dân, toàn quân ta thành kính tưởng nhớ và đời đời biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - người cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam – vị lãnh tụ đã làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam. Luôn luôn tưởng nhớ và tri ân sâu sắc các Lãnh đạo hiền tài của Đảng, của dân tộc; các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí, đồng bào ta đã hy sinh anh dũng, dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh vì tự do và thống nhất đất nước. Chúng ta mãi ghi nhớ và biết ơn các đồng chí Lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến cùng đồng bào, đồng chí trên mọi miền đất nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã cống hiến máu xương, trí tuệ, tài năng, công sức, của cải cho cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại. Đó là truyền thống tốt đẹp, cần được giữ gìn và phát huy qua các thế hệ của dân tộc Việt Nam hôm nay và mãi về sau.
Cựu chiến binh và thế hệ trẻ tri ân các Anh hùng liệt sĩ - Ảnh sưu tầm
Đại thắng mùa Xuân 1975 là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh. Lòng yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc; sự giác ngộ lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tinh thần quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược... là nội dung cốt lõi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, tạo nên khí thế hào hùng của cả dân tộc, làm nên sức mạnh Đại thắng mùa Xuân 1975, cũng như công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Tinh thần, khí thế của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được nuôi dưỡng, hun đúc và kìm nén suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được phát huy đến độ rực rỡ trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Sau 48 năm chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình được lập lại, những con cháu của thế hệ chống Mỹ năm xưa, nay vẫn cảm nhận sâu sắc và luôn được thôi thúc bởi khí thế đó, tiến lên giành nhiều thành tựu hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng "đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn, lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta”, theo lời hiệu triệu và kêu gọi của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngô Phi Yến - Lê Tú Anh