Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: "Máu đào của các Thương binh, Liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do".
“Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm đau, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không lâu sau đó, thực dân Pháp đã thực hiện dã tâm xâm lược nước ta lần nữa. Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, kiên quyết giữ vững thành quả cách mạng và nền độc lập nước nhà, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng trước bom đạn của kẻ thù. Cuộc chiến khốc liệt đã để lại biết bao nỗi đau: Chiến sĩ, đồng bào ta có người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, có người may mắn sống sót nhưng thân thể đầy thương tích, những gia đình ở hậu phương luôn trông ngóng chờ đợi người con, người chồng, người cha từ tiền tuyến… Máu của những người anh hùng đã tô thắm màu cờ đỏ vinh quang của Tổ quốc.
Để góp phần xoa dịu nỗi đau của các gia đình, đầu năm 1946, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã vận đồng thành lập tổ chức với tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm Hội trưởng danh dự của Hội. Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp bàn về ngày kỷ niệm thương binh – liệt sỹ và bảo vệ công tác thương binh liệt sỹ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm “Ngày Thương binh toàn quốc. Đây được coi là cuộc mít tinh quan trọng với 2000 người tham gia tại Thái Nguyên. Tại đây, bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đọc một cách trang trọng. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hằng năm, vào dịp này, Người cũng đều gửi thư và quà đến các thương binh và gia đình liệt sỹ.
Tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ” của cả nước.
Bác Hồ thăm các Thương binh nặng ở Trung tâm điều dưỡng Thuận Thành (Bắc Ninh) (Ảnh tư liệu)
Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7 được xem là một trong những truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn đối với những người con của Tổ quốc đã hy sinh, cống hiến vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Bên cạnh đó, ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7 còn nhằm phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần cách mạng và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã chọn. Từ đó, truyền thống này động viên và phát huy truyền thống cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy tinh thần cách mạng gương mẫu, góp phần giữ vững chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp nối truyền thống thể hiện lòng tri ân đối với các thương binh, liệt sỹ, Đảng và Nhà nước ta hiện nay luôn chú trọng giáo dục ý thức và trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân về lòng yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc đối với các liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.
Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội, công tác đối với người có công với cách mạng đạt được nhiều thành tích, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của thương binh, của gia đình thân nhân các liệt sỹ, người có công… Đây là những việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm khích lệ, giúp đỡ các đối tượng chính sách, bù đắp những mất mát về vật chất, tinh thần và tạo điều kiện để họ tiếp tục cống hiến sức mình cho xã hội.
Tuổi trẻ tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ (ảnh sưu tầm)
Sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, thương binh và gia đình của họ để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho dân tộc là sự cống hiến, hy sinh vô giá, không chỉ là giá trị trong quá khứ hay hiện tại, mà còn là giá trị mãi bền vững về sau. Tổ quốc thân thương của chúng ta có được ngày bình yên như hôm nay, đều là được xây dựng và bảo vệ bởi mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của những người anh hùng. Vì vậy, việc thể hiện lòng tri ân và chăm sóc đối với các thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của mọi thế hệ, mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành và các tổ chức xã hội.
Tuổi trẻ tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ (ảnh sưu tầm)
Năm tháng trôi qua, thế nhưng sự hy sinh của các Anh hùng Liệt sỹ, của các Thương binh, Bệnh binh, mãi mãi được ghi tạc vào trang sử vàng oanh liệt của dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt. Trước anh linh các Anh hùng Liệt sỹ, trước những Thương binh đã hiến thân mình cho quê hương đất nước, thế hệ trẻ hô nay, luôn kính cẩn nghiêng mình bày tỏ lòng thành kính và tri ân công lao to lớn đó. Những người Thương binh, Liệt sỹ bất khuất ấy, chính là hình ảnh đẹp nhất, là biểu tượng sáng ngời của cách mạng, họ đã sống và chiến đấu vì lý tưởng, vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay luôn khắc cốt ghi tâm, biết ơn các Anh hùng Liệt sỹ và mang tinh thần đó tạo thành động lực, sức mạnh, để thế hệ trẻ Việt Nam tiếp tục công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh xương máu mà bao thế hệ cha ông, bao thế hệ thanh niên đã dày công xây dựng và hy sinh thân mình để bảo vệ.
Sưu tầm, thực hiện - Vương Trần Khải Trân
Đảng viên, sinh viên Lớp 62.LUAT