Mỗi khi đến dịp sinh nhật của Bác, tất cả chúng ta đều tưởng nhớ về Bác. Ai cũng muốn gửi đến Bác lời chúc tốt đẹp nhất; bằng những hành động thiết thực nhất như sinh thời Bác thường mong muốn. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta; sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tư tưởng vô cùng quý báu; một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời.
Sinh thời, Bác Hồ là người sống rất giản dị và khiêm tốn. Bác không thích phô trương và càng đặc biệt không thích người khác tặng quà cho mình. Đây là lý do mà đến tận tháng 5/1946, toàn thể nhân dân Việt Nam mới được biết đến ngày sinh của Bác và năm 1946 là năm kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ lần đầu tiên.
Ngày kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5/1946 trở thành ngày gặp mặt đoàn kết, biểu thị tình cảm và sức mạnh khối đoàn kết toàn dân xung quanh Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, một quá trình đấu tranh cách mạng và kháng chiến của đất nước được mở ra; cũng đồng thời có một “tiền lệ mới” được đặt ra như một nếp đạo lý của dân tộc: Mừng sinh nhật Bác Hồ.
Sinh thời, Bác chỉ muốn có một ngày sinh nhật chung, như trong thư Bác viết ngày 19/5/1948 gửi Quốc hội và Chính phủ, các đoàn thể, bộ đội, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài, Người viết: “Tôi và toàn thể đồng bào có một ngày sinh nhật chung: Ấy là ngày cách mạng giải phóng thành công tháng Tám năm 1945”.
Bác có thói quen dịp sinh nhật hay làm thơ nói về tuổi tác với tình cảm, trách nhiệm của Người đối với non sông đất nước và đồng bào, đồng chí; sau ngày 19/5, Người viết thư, gửi điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, cơ quan, đoàn thể ở trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Bác những tình cảm tốt đẹp, thân thiết và nhất là những món quà ý nghĩa về thành tích mới trong lao động sản xuất.
Cứ đến ngày 19/5, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào, chiến sĩ ai cũng muốn có một món quà kính tặng Người. Nhưng với Bác Hồ, Người từng nói: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc” và chính vì thế, mỗi dịp sinh nhật Bác là một lần chúng ta lại thấy sáng ngời đức tính giản dị, khiêm nhường của con người vĩ đại ấy.
Cán bộ viên chức Trường đại học Nha Trang học tập làm theo tâm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ hơn 700 cán bộ, viên chức trường Đại học Nha Trang ra sức thi đua, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy cao độ truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo…. phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nhà trường đã đặt ra đến năm 2030, 100% các ngành đào tạo của Nhà trường đạt được kiểm định đánh giá trong và đánh giá ngoài. Đây được coi như là một cam kết của Nhà trường về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho khởi nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, toàn thể CBVC, NLĐ và sinh viên Nhà trường luôn vun đắp các giá trị truyền thống: Đoàn kết, sáng tạo, chung sức chung lòng vượt khó vươn lên để dạy tốt, học tập tốt và công tác tốt, vì sự phát triển của ngôi trường thân yêu, vì ngày mai lập nghiệp; tất cả vì sự phát triển cộng đồng, vì sự phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo của địa phương và của đất nước; năng động, linh hoạt, đổi mới để thích ứng với yêu cầu xã hội. Những giá trị truyền thống quý báu này, cùng với những thành tựu đạt được trong 65 năm qua là động lực và tạo đà để Trường Đại học Nha Trang bước vào giai đoạn phát triển mới với tràn đầy niềm tin và khát vọng để “Căng buồm tri thức vươn xa”. Để thực hiện được các mục tiêu và nhiệm vụ trên, toàn thể CBVC, NLĐ của Nhà trường không ngừng học tập, làm theo phong cách đạo đức Hồ Chí Minh:
Một là, cán bộ viên chức học tập phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại; phong các tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo.
Hai là, phong cách làm việc khoa học; phong cách làm việc có kế hoạch; phong cách làm việc đúng giờ; phong cách đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối cũ, đường mòn.
Ba là, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phong cách nêu gương trong hoạt động quản lý của Nhà trường
Bốn là, cán bộ viên chức Trường đại học Nha Trang học tập phong cách sống cần kiệm, liêm chính của Người.
Trần Thị Tân - Bộ môn Lý luận Chính trị