“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng Mười tháng Ba”
Câu ca dao quen thuộc này không ai biết đã có tự bao giờ nhưng bao đời nay đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân đất Việt. Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là một ngày lễ trọng đại của đất nước, là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam, là dịp để người dân Việt tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc, các bậc tiền nhân đã có công lao xây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc từ ngàn đời.
Trải qua hàng nghìn năm nay, giỗ tổ Hùng Vương luôn được xem là lễ hội lớn nhất ở Việt Nam, nhận được sự thu hút của người dân cả nước. Lễ hội diễn ra nhằm ghi nhớ công ơn của các vị vua Hùng đã có công xây dựng đất nước cũng là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc, là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tiến trình lịch sử luôn là yếu tố nội sinh của văn hóa dân tộc, góp phần hun đúc lòng tự hào và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước, thương nòi.
Giỗ tổ Hùng Vương có lịch sử lâu đời, theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính. Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp. Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” Câu nói ấy luôn được truyền đạt qua bao thế hệ sau này.
Trong lễ hội luôn có hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm: Lễ rước kiệu vua, đám rước kiệu, nhiều màu sắc của rất nhiều cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Lễ dâng hương, người hành hương tới đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Phần hội bao gồm: có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức trong dịp Lễ lớn của dân tộc này. Đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), một hình thức dân ca đặc biệt của Phú Thọ, những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.
Ý nghĩa của ngày Giỗ tổ Hùng Vương không chỉ là đề cao niềm tự hào dân tộc mà còn nhắc nhở chúng ta phải tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc, nguồn cội của tổ tiên. Qua đó mỗi người không ngừng học tập, rèn đức luyện tài để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng với công lao của các thế hệ anh hùng dân tộc, với tổ tiên ta ngày trước. Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để chúng ta nhìn nhận lại những biến cố của đất nước qua các thời kỳ đồng thời đặt ra những nhiệm vụ mới cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước.Trải qua các thời kỳ thăng trầm khác nhau và để có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ công lao vĩ đại của cả một dân tộc anh hùng. Hằng năm vào dịp lễ hàng triệu người dân khắp cả nước đã hội tụ về Đền Hùng – Việt Trì – Phú Thọ để tưởng nhớ công lao của các vị vua Hùng.
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc và lâu đời trong cuộc sống của người Việt Nam. Lễ hội là lúc con cháu Việt Nam nhìn lại những nét lịch sử của dân tộc, ghi nhớ và biết ơn đến những có công với đất nước, xây dựng đất nước và bảo vệ chúng. Dù ở thế hệ nào, dù trải qua hàng nghìn năm nữa thì lễ hội này vẫn sẽ luôn được gìn giữ bởi những thế hệ tiếp theo và phát huy hơn nữa những nét văn hóa đặc sắc của con người, đất nước Việt Nam.
Bùi Thị Ý Nhi - Sinh viên lớp 60.LKT