“Có một nghề bụi phấn dính đầy tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây trên đất
Lại nở cho đời những đóa hoa thơm "
Tháng 11 về mang theo cơn gió thu nhè nhẹ, mang theo ánh nắng dịu dàng, trong trẻo cũng là lúc bao thế hệ học sinh, sinh viên có dịp hướng lòng mình về những người thầy, người cô, những người luôn tận tâm săn sóc và dạy dỗ biết bao thế hệ nên người, những người chèo đò thầm lặng, cả một đời đưa những chuyến đò sang sông cập bến bờ tri thức với một tấm lòng yêu thương đầy nhiệt huyết:
" Lặng xuôi năm tháng êm trôi
Con đò kể chuyện một thời rất xưa
Rằng người chèo chống đón đưa
Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều"
Thầy cô vẫn thế, vẫn ngày ngày đón đưa từng chuyến đò qua sông mà không quản nắng mưa, mà đâu hay mái tóc đã ngả màu vì bụi phấn, đâu hay năm tháng đã hằn sâu trên khuôn mặt, trên khoé mắt mình.
Là một người Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo mà ông cha ta truyền dạy từ bao đời nay như đã thấm sâu vào mỗi con người chúng ta. Không thầy đố mày làm nên…Chính thầy cô đã chắp cánh cho những ước mơ của chúng ta bay cao, cung cấp hành trang kiến thức cho chúng ta bước vào đời và giúp chúng ta thành công trên con đường học vấn.
Nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20-11-2020 chúng ta cùng nhau tìm về nguồn gốc, lịch sử và ý nghĩa ngày 20-11 như là một lời tri ân sâu sắc đến thầy cô, những người đã hy sinh thầm lặng vì sự nghiệp trồng người.
Tháng 01/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục).
Năm 1949, tại Hội nghị quốc tế Vacsava, tổ chức FISE xây dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương.
Nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục tiến bộ; bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh. Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên, trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập (22/7/1951), Công đoàn giáo dục Việt Nam đã được kết nạp là một thành viên của FISE.
Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào ngày 20/11/1958. Những năm sau đó, ngày lễ 20/11 còn được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam.
Hàng năm, kỷ niệm lịch sử ngày 20/11, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo viên trong vùng tạm chiếm nói riêng, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh của anh chị em giáo viên kháng chiến nói chung.
Theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 - HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó có điều khoản quy định, lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ngày 20/11/1982, là lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước ta. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.
Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thầy cô, để toàn xã hội ghi nhận công lao, tầm quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển của đất nước cũng như chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Vũ Thị Bích Hạnh – Khoa KH Xã hội và Nhân văn