Cứ mỗi độ Tháng 5 về, với niềm tự hào và lòng biết ơn vô hạn, cả dân tộc Việt Nam lại bâng khuâng, xao xuyến nhớ về Bác, vị lãnh tụ vĩ đại vô cùng kính yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, hy sinh tất cả vì nước, vì dân với mục tiêu cao cả là đất nước được độc lập, tự do, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc...
Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19/5/1890, tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Người được sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, nên từ rất sớm, Người đã dành sự quan tâm rất lớn trong việc đấu tranh chống thực dân Pháp. Sau khi chứng kiến sự thất bại và khủng hoảng trên con đường giải phóng dân tộc của các vị yêu nước tiền bối và cảnh đời nô lệ của những người dân mất nước dưới ách thực dân Pháp tàn bạo, người thanh niên ưu tú của dân tộc Việt Nam - Nguyễn Ái Quốc quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.
Ngày 5/6/1911, trên con tàu Đô đốc Latouche Tréville, từ bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước, với hành trang ban đầu là sự nhiệt huyết cứu nước, trí tuệ thiên tài, nhãn quan chính trị sắc bén và được kế thừa các giá trị yêu nước truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Trong cuộc hành trình 30 năm, Nguyễn Tất Thành đã vượt qua ba đại dương, bốn châu lục và gần ba mươi nước để tìm con đường cứu nước đáp ứng yêu cầu: cứu nước đồng thời cứu được dân. Cuối cùng, người thanh niên yêu nước ấy đã tìm được và đi theo con đường cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Những khó khăn thử thách cùng những sự kiện quan trọng ghi dấu ấn của Người cũng chính là những dấu ấn lớn của cách mạng Việt Nam.
Năm 1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), được sự phân công của Quốc tế Cộng sản, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đặc biệt là thắng lợi của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đất nước ta về một mối; mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng nhau đoàn kết trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đối với nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn thân thiết, mẫu mực, thủy chung; là biểu tượng của khát vọng hòa bình, đấu tranh chống áp bức, bất công; là sứ giả của hòa bình, của đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các dân tộc trên thế giới. Người đã truyền cảm hứng, cổ vũ cho các dân tộc bị áp bức, khát khao tự do và đứng lên đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người còn là "Nhà văn hóa kiệt xuất", là hiện thân sinh động về việc coi trọng, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tôn trọng sự khác biệt, đa dạng và thúc đẩy sự hiểu biết, đoàn kết. Vì lẽ đó, nhiều năm qua, với tình cảm yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế đã tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm, nghiên cứu, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp và tôn vinh những phẩm chất cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên khắp năm châu đều có những trường học, con đường, công viên, bảo tàng, tượng đài mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tác phẩm văn học, thơ ca, thước phim tư liệu… về Người đã, đang được chia sẻ, lan tỏa rộng rãi.
Về với thế giới người hiền ở tuổi 79 (năm 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ. Trong đó, những giá trị về tư tưởng của Người được coi là một tài sản vô giá của Đảng và dân tộc Việt Nam. Qua thời gian, sức sống của Tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng được khẳng định và lan tỏa rộng rãi trong xã hội Việt Nam hiện nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, là di sản tư tưởng và lý luận vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, định hướng con đường đúng đắn của cách mạng Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử; thấm sâu vào trái tim, khối óc quần chúng nhân dân; trở thành ngọn cờ dẫn dắt cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng mong nguyện của Người, xây dựng cơ đồ, tiềm lực vị thế và nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.
Thực hiện
Lê Thị Huyền Anh, Hoàng Khánh Chi, Tô Thiện Mẫn