HOÀNG VĂN THỤ, NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG SẢN TRUNG KIÊN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 - 4/11/2019), lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ, dân tộc Tày, sinh ngày 04/11/1909 tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, Châu Văn Uyên, nay là thôn Phạc Lạn, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học. Trong thời gian học tại trường tiểu học Việt - Pháp Lạng Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ với người bạn cùng chí hướng là đồng chí Lương Văn Tri luôn chứng kiến những biến động mới của phong trào yêu nước đang diễn ra sôi nổi khắp cả nước. Những biến động mới của cuộc vận động yêu nước và phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của người thanh niên yêu nước Hoàng Văn Thụ. Cuối năm 1927, Hoàng Văn Thụ sang Trung Quốc ra nhập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam. Cuối năm 1929, đồng chí Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng và được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo việc gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn.
Năm 1930 - 1931, Hoàng Văn Thụ phát triển nhiều cơ sở cách mạng ở Lạng Sơn và nhiều chi bộ Đảng đã ra đời từ đó. Năm 1932, Hoàng Văn Thụ về nước hoạt động theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, được đồng chí Lê Hồng Phong giúp đỡ học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng và kinh nghiệm công tác. Hoàng Văn Thụ trở thành một cán bộ xuất sắc, vừa là người lãnh đạo Đảng bộ địa phương, vừa là cán bộ giúp việc tích cực của Ban lãnh đạo Đảng ở ngoài nước.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, Hoàng Văn Thụ được Trung ương giao nhiệm vụ tổ chức việc in Văn kiện Đại hội Đảng gửi về nước và hoạt động ở biên giới. Đầu năm 1937, Hoàng Văn Thụ về Cao Bằng, trực tiếp chỉ đạo phong trào, đã cùng với Liên tỉnh ủy mở nhiều lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Báo Tranh đấu, cơ quan của Liên tỉnh ủy, truyền đơn, sách, báo địa phương cũng được đồng chí đưa về in ở Cao Bằng, phục vụ kịp thời cho phong trào. Cuối năm 1937, Hoàng Văn Thụ được Trung ương triệu tập sang Hồng Kông để học tập chủ trương, chính sách mới của Đảng do đồng chí Lê Hồng Phong và đồng chí Phùng Chí Kiên hướng dẫn.
Đầu năm 1938, Hoàng Văn Thụ được Trung ương cử về nước bắt liên lạc với Xứ ủy Bắc Kỳ để truyền đạt chỉ thị của Trung ương và nhận công tác ở Xứ ủy. Xứ ủy đã cử Hoàng Văn Thụ đến các vùng mỏ, nhà ga, bến tàu… để củng cố tổ chức và giữ vững phong trào.
Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Bọn thực dân Pháp ở Đông Dương tiến hành phát xít hóa bộ máy cai trị, khủng bố phong trào cách mạng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ chỉ thị cho các Đảng bộ phải đưa cơ sở Đảng vào hoạt động bí mật; các tổ chức quần chúng chuyển thành các Hội phản đế như: Nông dân phản đế, Thanh niên phản đế, Phụ nữ phản đế…
Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7, đồng chí Hoàng Văn Thụ được cử vào Ban Thường vụ Trung ương. Đầu năm 1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt… đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Tại Hội nghị lịch sử này, đồng chí Hoàng Văn Thụ lại được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và sau đó, được cử vào Tổng bộ Việt Minh lâm thời. Đồng chí đã ra sức xây dựng, phát triển phong trào Việt Minh, củng cố, giữ vững cơ sở Đảng và phong trào quần chúng ở những địa phương gặp khó khăn.
Năm 1941 - 1943, ở Hà Nội, phong trào cách mạng bị địch khủng bố dần dần được khôi phục và phát triển. Trung ương Đảng quyết định gấp rút xây dựng cơ sở trong các đơn vị binh lính địch. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương Đảng phân công trực tiếp phụ trách công tác ấy.
Trong lúc phong trào đấu tranh cách mạng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, do có kẻ phản bội, ngày 25/08/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ không may bị mật thám bắt tại ngõ Nam Diện, khu Tám Mái (Hà Nội). Biết đồng chí là cán bộ cao cấp của Đảng ta, thực dân pháp đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, dùng cực hình tra tấn dã man nhưng Hoàng Văn Thụ vẫn luôn nêu cao khí phách của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, luôn lạc quan yêu đời với niềm tin tất yếu vào thắng lợi của cách mạng.
Không khuất phục nổi Hoàng Văn Thụ, thực dân Pháp đã tuyên án tử hình đồng chí. Ngày 25/05/1944, tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội), trước khi hy sinh, Hoàng Văn Thụ đã dõng dạc tuyên bố trước mặt kẻ thù: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như chúng tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”.
Cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ mãi mãi là niềm tự hào của toàn Ðảng, toàn thể dân tộc Việt Nam. Học tập và noi theo tấm gương sáng ngời của đồng chí, toàn thể sinh viên và cán bộ viên chức trường đại học Nha Trang nguyện ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa hoc..., nhằm góp phần dựng xây đất nước Việt nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Trần Thị Tân – Khoa KH Xã hội và Nhân văn