Xin được mượn những vần thơ của Nhà thơ Bình Nguyên viết về sự hy sinh của những chiến sĩ đã ngã xuống khi đất nước trong hoà bình.
“Ai qua Quan Hoa chiều nay xin nhẹ bước chân
Thắp một nén nhang gửi người vừa ngã xuống
Một chút lắng lòng thôi giữa dòng đời xuôi ngược
Xót thương cuộc đời những người đã hy sinh
Tháng 8 về trời chuyển nắng sang thu
Gió xin lay nhẹ thôi đồng đội tôi vừa ngã xuống
Cơn mưa chiều tiễn những chàng trai trẻ,
Để lại cho đời những đóa hoa thơm…”[1]
Trong nhiều năm qua, đất nước dù không còn chiến tranh, nhưng năm nào cũng đều có những chiến sĩ phải đổ máu giữa thời bình. Cuộc chiến đấu bảo vệ sự bình yên cho nhân dân ở thời bình hiện nay lại có thêm nhiều khó khăn, với nhiều loại tội phạm mới, nhưng khi đã lựa chọn màu áo ấy là các anh đã sẵn sàng đối mặt với thử thách, hiểm nguy. Và có những người lính, người chiến sĩ công an nhân dân khi lên đường làm nhiệm vụ, các anh đã dũng cảm, khéo léo băng mình qua biển lửa cứu người bị nạn, cứu tài sản. Lặn lội trong mưa gió giúp đỡ người dân trong các đợt bão lũ. Ngâm mình dưới đáy hồ sâu buốt lạnh suốt ngày đêm tìm kiếm thi thể nạn nhân. Những người chiến sĩ luôn trong tâm thế sẵn sàng cống hiến hy sinh bất chấp nguy hiểm khó khăn thách thức để thử hiện sứ mệnh phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân và rồi trong số các anh, đã có người đã ra đi mãi mãi chẳng trở về. Các anh ngã xuống để lại bao đau thương tiếc nuối cho những người thân và cả những người đồng đội nhưng những người đồng đội vẫn luôn khắc ghi thực hiện tiếp những công việc còn dang dở, tất cả vẫn luôn sẵn sàng để bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân.
Đã 3 năm trôi qua, nhưng nỗi đau vẫn chưa thể nguôi ngoai với gia đình đại tá Nguyễn Huy Thịnh. Anh là một trong 3 cán bộ hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Nỗi đau của người vợ xa chồng, người con mất cha chẳng thể nào có thể diễn tả được. Nhưng trong lòng của những người ở lại đều cảm nhận được, dù cuộc sống có đau khổ và nước mắt thì sự hy sinh cho bình yên của Tổ quốc là vinh quang cao cả, những người ở lại tự hào vì người chồng, người cha, người đồng chí đã là một anh hùng thời bình. Tình yêu và lòng tự hào ấy sẽ mãi mãi sống trong tâm hồn và kỷ niệm của họ, là nguồn động viên sức mạnh to lớn cùng sự quan tâm tạo điều kiện kịp thời của Đảng và Nhà nước đã giúp gia đình của các liệt sĩ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Mang trên vai trọng trách “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, là thanh bảo kiếm bảo vệ làng nước và nhân dân”, các chiến sĩ đã không quản ngại gian khổ, đấu tranh không khoan nhượng với các loại tội phạm. Những chiến công vang dội được nhân dân ngợi ca nhưng cũng có những hy sinh thầm lặng không phải ai cũng biết. Thế nhưng khi Tổ quốc gọi tên, khi nhân dân cần giúp đỡ dù thời chiến hay thời bình, dù có khó khăn gian khổ, lớp lớp thế hệ cán bộ chiến sĩ luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ tự nguyện dâng hiến hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân. Chính vì lẽ đó, người dân khắp mọi miền đất nước vẫn sẽ luôn ghi nhớ biết ơn sự cống hiến và hy sinh của các chiến sĩ:
“Cảm ơn các đồng chí đã có trách nhiệm với công việc. Vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Chúc các đồng chí thật nhiều sức khỏe và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước đã giao”.
“Người dân chúng tôi sẽ không bao giờ quên sự anh dũng, xã thân cứu người của các chiến sĩ. Giữa thời bình này, tuy đã có những người phải hy sinh, nhưng các anh chính là người ‘thắp lên những ngọn lửa’, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ noi gương về sự dũng cảm”
“Trên chặng đường vẻ vang và gian nan đó, có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đã anh dũng hy sinh hoặc bị thương, mất một phần xương máu của mình để bảo vệ Nhân dân. Ngay cả khi đất nước hòa bình, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, máu đào của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân vẫn đang đổ xuống. Lẽ sống và nhiều tấm gương dũng cảm hy sinh, cống hiến trọn đời mình của các chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Với sự khiêm tốn và tất cả niềm tự hào, chúng ta có hể khẳng định, lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam thực sự xứng đáng là đội quân Anh hùng, của Nhân dân Việt Nam anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng.”[2]
Vậy nên, Ngày 27 tháng 7 hằng năm, từng đoàn người hướng về nghĩa trang liệt sĩ, những bông hoa trắng thơm, bông cúc vàng và những dòng nước mắt của các thân nhân, của những Thương binh, Bệnh binh nhớ về đồng đội đã ngã xuống, cùng với đó là triệu trái tim của người Việt Nam hướng về sự hy sinh của những người con đã hy sinh cho sự bình yên của Tổ Quốc.
Là một sinh viên, được sinh ra, lớn lên và học tập khi đất nước đã hoà bình và ngày càng tươi đẹp. Tôi luôn biết ơn và ghi nhớ trong tâm sâu sắc về sự hy sinh của những anh hùng và liệt sĩ, đã dùng máu và nước mắt để đem lại sự tự do và bình yên cho chúng ta. Qua đó, tôi cảm nhận rằng bản thân tôi nói riêng và chúng ta nói chung đều có một trách nhiệm, đó là tiếp tục xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước để giữ gìn những thành tựu mà các anh đã hy sinh để lại. Đồng thời, tôi hiểu rõ hơn về trách nhiệm bản thân, để đáp lại những hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ, tôi đã nhận thức rõ ràng rằng, mình cần phải rèn luyện và học tập tốt hơn nữa để góp một phần công sức bé nhỏ đưa đất nước ngày càng phát triển.
Hơn bao giờ hết, ngay hôm nay và những năm tháng sau này, tôi và thế hệ trẻ ngày nay, cùng với nhân dân cả nước, chúng ta cùng chung tay chăm sóc, thăm hỏi động viên các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Cô, Chú Thương binh, Bệnh binh, các Gia đình có công với cách mạng, các thân nhân Liệt sĩ, để ghi nhớ những công ơn hy sinh xương máu và những cống hiến thầm lặng của họ. Để Ngày 27 tháng 7 hằng năm mãi đi vào trong tâm trí người Việt Nam, đời đời nhớ ơn các Anh Hùng, Liệt Sĩ !
Thực hiện bài viết
Trần Đăng Tuệ
Đảng viên, sinh viên lớp 61.LUAT