Những trái tim yêu Việt Nam
Ở một thành phố du lịch như Nha Trang, mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đến rồi đi. Thế nhưng, có những người đến đây, rồi lại quay lại không biết bao nhiêu lần. Trong tim họ, dường như Việt Nam là quê hương thứ hai. Đó là câu chuyện của 4 giảng viên người nước ngoài tại Trường ĐH Nha Trang. Họ là những con người đến từ 4 quốc gia khác nhau: Úc, Na Uy, Iceland, Mỹ nhưng đều yêu mến Việt Nam và đã có nhiều năm gắn bó với Trường. Đối với mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên – những người đã từng may mắn được học và làm việc với họ, có lẽ sẽ không bao giờ quên những tình cảm, sự quan tâm và hỗ trợ của các thầy cô trong suốt thời gian qua. Vì những đóng góp to lớn ấy, vào tháng 8/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 4 giảng viên nước ngoài: cô Bronwyn Gaye Driscoll từ Tổ chức tình nguyện quốc tế Úc (AVI); GS. Claire Amstrong từ Đại học Tromso, Na Uy; TS. Tumi Tómasson từ Chương trình đào tạo Thủy sản, ĐH Liên Hợp Quốc, Iceland (UNU-FTP) và GS. Curtis Jolly từ Đại học Auburn, Hoa Kỳ.
GS. Claire và GS. Jolly (hàng đầu, thứ 2 và 3 từ trái sang) tại lễ tốt nghiệp Chương trình cao học Norhed khóa 2
13 năm gắn bó với Trường ĐH Nha Trang
Giáo sư Curtis Jolly năm nay đã bước sang tuổi 73. Ông đã có 13 năm gắn bó với ngôi trường ĐH Nha Trang này từ những năm đầu triển khai Chương trình cao học quốc tế về Kinh tế và Quản lý Thủy sản NOMA-FAME do Chính phủ Na Uy tài trợ. Ông là một trong những người đặt nền móng cho chương trình, đồng thời tham gia vào quá trình giảng dạy và hướng dẫn hàng chục giảng viên của Nhà trường hoàn thành chương trình Thạc sĩ. Đến năm 2015, ông lại tiếp tục tham gia với nhiều vai trò, và là một trong những trụ cột của Chương trình cao học quốc tế về Quản lý hệ sinh thái Biển và Biến đổi khí hậu – chương trình thuộc dự án NORHED do Chính phủ Nauy tài trợ trong 4 năm, từ 2015-2019. Ông đã giúp hướng dẫn 4 giảng viên của Trường hoàn thiện chương trình Tiến sĩ, đồng thời tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học với 03 tài liệu chuyên khảo quốc tế, 11 bài báo quốc tế cùng với các giảng viên Trường ĐH Nha Trang, chia sẻ các báo cáo nghiên cứu tại các hội thảo chuyên đề về phát triển bền vững nguồn lợi biển, chuỗi giá trị thủy sản, nâng cao năng lực quản lý cho nông dân…Hiện nay, ông vẫn tiếp tục hợp tác với các giảng viên của nhà trường thực hiện nhiều dự án đào tạo và nghiên cứu chung.
GS. Jolly (áo vest đen ở giữa) cùng với các thạc sĩ chương trình cao học Norhed khóa 2
GS. Curtis Jolly (thứ hai từ trái sang), đại diện của FAO và giáo viên NTU làm việc về Chuỗi giá trị tôm với Tập đoàn Việt Úc tháng 10/2018
Nữ giáo sư tận tụy
GS Claire Amstrong bắt đầu gắn bó với Trường ĐH Nha Trang từ những dự án do Chính phủ Na Uy tài trợ. Cô đã tham gia xây dựng, giảng dạy và hướng dẫn các học viên Việt Nam và quốc tế trong cả 3 khóa của Chương trình Thạc sĩ quốc tế về Quản lý hệ sinh thái Biển và Biến đổi khí hậu. Trong khóa 3 vừa rồi, cô đã hướng dẫn cho một học viên người Namibia bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với số điểm cao nhất trong cả 3 khóa của chương trình. Chia sẻ về cô, nữ học viên nói rằng: “Giáo sư Claire có tài giao tiếp tuyệt vời. Cô đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong suốt quá trình viết luận văn. Mặc dù công việc bận rộn, cô đã chia sẻ cho tôi vốn kiến thức quý báu của mình và luôn có những hướng dẫn kịp thời để tôi hoàn thiện bài luận. Cô ấy đã hỗ trợ sinh viên chúng tôi với lòng nhiệt thành, sự kiên nhẫn, cùng tình yêu đối với khoa học. Tôi không thể tưởng tượng được có một giảng viên hướng dẫn nào tuyệt vời hơn thế cho mình”. Dự án “Ứng phó biến đổi khí hậu trong quản lý kinh tế, đa dạng sinh học và nuôi trồng thủy sản ở các nước Srilanka và Việt Nam” do cô là điều phối viên phía Na Uy đã tạo điều kiện cho nhiều giảng viên nhà trường tham gia các chương trình nghiên cứu tiến sĩ và sau tiến sĩ. GS Claire cũng là đồng tác giả của 4 bài báo quốc tế cùng với các giảng viên của Trường ĐH Nha Trang.
GS. Claire chia sẻ cảm xúc cùng các tân thạc sĩ chương trình cao học Norhed khóa 2 trong ngày tốt nghiệp
GS. Claire (áo xanh ở giữa) cùng với các học viên trong lớp cao học quốc tế Norhed khóa 3
Người cấp học bổng thầm lặng
31 là số học bổng các chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, ngắn hạn tại Iceland mà TS Tumi Tomasson đã cấp cho các giảng viên và cán bộ của nhà trường, đó là chưa kể đến những lần ông tham gia tài trợ cho các giảng viên của nhà trường thực hiện các chuyến khảo sát thực tế, tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế tại nước ngoài, tổ chức các hội thảo chuyên ngành, các tập huấn ngắn hạn… Chia sẻ về TS Tumi, cô Mai Thị Tuyết Nga – Phó Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm nói “Thầy Tumi là một người rất vui vẻ và lạc quan. Thầy có tình cảm đặc biệt với Việt Nam nói chung và Trường ta nói riêng, nên đã quan tâm tạo điều kiện để đào tạo đội ngũ giảng viên của Trường. Thầy Tumi còn tích cực kết nối các tổ chức đơn vị trong và ngoài Iceland hợp tác với Trường và Khoa, tạo điều kiện cho cán bộ của Khoa tham gia vào dự án, và kết nối hợp tác được với công ty của Iceland để đào tạo cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam”. Cô nhớ lại một kỷ niệm đáng nhớ nhất khi làm việc với thầy Tumi là khi được thầy phỏng vấn để chọn đi tập huấn tại Iceland “Lúc đó, con tôi còn rất nhỏ và thầy đã rất tâm lý, quan tâm hỏi xem việc đi học của tôi có ảnh hưởng đến việc chăm sóc bé không, có ai hỗ trợ tôi trong việc này không. Tôi cảm nhận được thầy là một người rất quan tâm đến người khác”.
TS.Tumi Tomasson đại diện UNU-FTP, Iceland ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường ĐH Nha Trang
8 năm và 3 lần trở lại
Khác với 3 giảng viên đều có thâm niên công tác trong môi trường giáo dục, cô Bronwyn, tên thường gọi là Bronnie là một tình nguyện viên người Úc bình thường. Cô tham gia vào Tổ chức tình nguyện quốc tế Úc (AVI) và đến Việt Nam làm công việc giáo viên tình nguyện dạy tiếng Anh tại Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Nha Trang. Theo nhiều chương trình hợp tác, Trường ĐH Nha Trang thường xuyên kết nối để giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy tiếng Anh tại Trường nhằm nâng cao hơn nữa năng lực ngoại ngữ cho sinh viên, tuy nhiên cô Bronnie là một trường hợp khác. Khi thời gian của đợt tình nguyện đầu tiên kết thúc, cô Bronnie cùng chồng trở lại nước Úc. Tuy nhiên, tình yêu Việt Nam và sự khao khát cống hiến, khao khát được giúp đỡ sinh viên lại cháy bỏng và thôi thúc cô trở về Việt Nam, tiếp tục làm công việc giảng dạy tình nguyện. Cô sinh sống ngay tại thành phố, hàng ngày đi bộ đến Trường để dạy tiếng Anh và du lịch, cùng với Khoa Ngoại ngữ tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên, kết nối với tổ chức St John Ambulance Australia đào tạo miễn phí về sơ cấp cứu cho 800 sinh viên của Khoa Ngoại ngữ. Với dáng người cao gầy, phong thái nhanh nhẹn, giọng nói vui tươi, cô được nhiều sinh viên yêu mến. TS. Võ Nguyễn Hồng Lam, Trưởng khoa Ngoại ngữ nhận định “Cô Bronnie là giáo viên tình nguyện hoạt động hiệu quả và tích cực nhất mà Khoa từng tiếp nhận”.
Cô Bronnie trong một tiết học cùng sinh viên Khoa Ngoại ngữ
Tới đây, vào lễ kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, lãnh đạo Trường ĐH Nha Trang sẽ chính thức trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cao quý cho 4 giảng viên nước ngoài. Vì những lý do về địa lý và lịch trình, có lẽ sẽ không thể có sự hiện diện đầy đủ của cả 4 thầy cô. Tuy nhiên, kể cả khi không có sự hiện diện ấy, tập thể lãnh đạo, cán bộ giảng viên, sinh viên của Nhà trường vẫn luôn nhớ đến các thầy cô như những con người đầy đam mê, tận tụy với công việc, cống hiến không mệt mỏi tài năng và lòng nhiệt thành để chắp cánh tri thức và ước mơ cho những người trẻ ở một đất nước cách xa họ cả nửa vòng Trái Đất.
Phòng Hợp tác Đối ngoại